Cổ phiếu phân bón thuộc nhóm ngành cổ phiếu phòng thủ nên cực kỳ thích hợp để nắm giữ trong những thời kỳ kinh tế biến động tiêu cực.
Trong năm 2022, cổ phiếu ngành phân bón chứng kiến nhiều lần tạo đỉnh giá, cuộc chiến giữa Nga – Ukraine đã đẩy giá phân bón lên cao, nhiều doanh nghiệp trong ngành tận dụng cơ hội xuất khẩu với sản lượng lớn, khiến các cổ phiếu phân bón trở nên có sức hút và có giá trị hơn với nhiều nhà đầu tư.
Cùng tìm hiểu với TOPI ngay về đặc điểm của loại cổ phiếu này và danh sách mã cổ phiếu phân bón đang niêm yết trên sàn chứng khoán nhé.
I. Đặc điểm cổ phiếu phân bón
Đặc điểm của những mã cổ phiếu ngành phân bón trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Là cổ phiếu phòng thủ
Cổ phiếu phân bón là cổ phiếu của những công ty, doanh nghiệp hoạt động trong ngành phân bón – đây là nhóm ngành hàng hoá thiết yếu, dù tình hình kinh tế – xã hội có biến động thì nhu cầu sử dụng phân bón của người dân vẫn bình thường, cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Do vậy, cổ phiếu phân bón thường nằm trong nhóm cổ phiếu phòng thủ.
Phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào
Hiệu suất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành phân bón phụ thuộc lớn vào giá cả nguồn nguyên liệu đầu vào (đặc biệt là giá U-rê và giá dầu FO), chỉ một biến động nhỏ về giá cả nguyên liệu cũng khiến hiệu quả kinh doanh của họ biến đổi.
Nếu giá các nguyên liệu chính để sản xuất phân bón, như phosphorus, potassium, và nitrogen tăng cao, có thể làm tăng chi phí sản xuất và giảm lợi nhuận của các công ty trong ngành, điều này gây bất lợi cho cổ phiếu phân bón.
Sự lên xuống của mã cổ phiếu phân bọn bị phụ thuộc vào nhiều nhóm ngành khác nhau
Ảnh hưởng bởi nhu cầu sử dụng phân bón trong nông nghiệp
Nhu cầu phân bón xuất phát chủ yếu từ ngành nông nghiệp. Nếu thời tiết thuận lợi, tăng trưởng kinh tế tốt thì nhu cầu phân bón cũng tăng lên, nhờ đó doanh nghiệp trong ngành cũng làm ăn phát đạt hơn, khiến cổ phiếu phân bón của họ gia tăng giá trị.
Bị tác động từ biến động tỷ giá hối đoái và chính trị xã hội
Việc xuất khẩu và nhập khẩu phân bón có thể bị ảnh hưởng từ biến động tỷ giá hối đoái và chính trị quốc tế. Chẳng hạn như trong năm 2022, bất ổn từ dịch bệnh và xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine dẫn đến tình hình giá lương thực tăng cao, trong khi nguồn cung thực phẩm thì giảm.
Giá khí đốt của các nước Châu Âu tăng đột biến do gián đoạn nguồn cung từ Nga, khiến nhà sản xuất phân bón giảm sản lượng, giá U-rê bị đẩy lên cao chót vót. Từ đây, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu phân bón sang khu vực này với giá tốt, ngành phân bón trong nước được phát triển hơn, nhờ đó, cổ phiếu phân bón cũng được quan tâm chú ý bởi nhiều nhà đầu tư hơn.
Áp dụng công nghệ mới
Bên cạnh đó, những tiến bộ trong công nghệ sản xuất phân bón cũng như sự đổi mới trong các loại phân bón có thể tạo ra cơ hội mới cho các công ty và ảnh hưởng đến cạnh tranh trong ngành. Những doanh nghiệp nào trong ngành có lợi thế cạnh tranh hơn về công nghệ chắc chắn sẽ thu hút nhà đầu tư hơn, cổ phiếu của họ cũng sẽ cạnh tranh và nổi bật hơn trong tổng số các cổ phiếu phân bón.
Ngoài ra, sự biến động trong thị trường tài chính toàn cầu, chẳng hạn như biến động trong giá dầu và vàng, cũng có thể ảnh hưởng đến cổ phiếu phân bón.
Xem thêm: Danh sách mã cổ phiếu ngành thực phẩm – đồ uống đáng đầu tư nhất!
II. Danh sách những mã cổ phiếu ngành phân bón trên sàn chứng khoán Việt Nam
Mã cổ phiếu phân bón | Tên công ty | Sàn niêm yết |
BCF | Cty Cổ phần Phân bón Bình Điền | HoSE |
CPC | Cty Cổ phần Thuốc Sát trùng Cần Thơ | HNX |
DCM | Cty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau | HoSE |
DDV | Cty Cổ phần DAP – VinaChem | UpCoM |
DHB | Cty Cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc | UpCoM |
DPM | Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí – Cty Cổ phần | HoSE |
HSI | Cty Cổ phần Vật tư tổng hợp và Phân bón hóa sinh | UpCoM |
LAS | Cty Cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao | HNX |
NFC | Cty Cổ phần Phân lân Ninh Bình | HNX |
PCE | Cty Cổ phần Phân bón và Hoá chất Dầu khí Miền Trung | HNX |
PMB | Cty Cổ phần Phân bón và Hoá chất Dầu khí Miền Bắc | HNX |
PSE | Cty Cổ phần Phân bón và Hoá chất Dầu khí Đông Nam Bộ | HNX |
PSW | Cty Cổ phần Phân bón và Hoá chất Dầu khí Tây Nam Bộ | HNX |
SFG | Cty Cổ phần Phân bón Miền Nam | HoSE |
SPC | Cty Cổ phần Bảo vệ Thực vật Sài Gòn | HNX |
VAF | Cty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển | HoSE |
VPS | Cty Cổ phần Thuốc Sát trùng Việt Nam | HoSE |
III. Top 5 mã cổ phiếu phân bón tiềm năng nhất thị trường
Năm 2022, nhờ tình hình xuất khẩu tốt nên nhóm cổ phiếu phân bón ghi nhận mức tăng rất mạnh, lên một vùng giá mới. Một số trong đó phải kể để đến như:
1. Mã DPM của Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí – Cty Cổ phần (Đạm Phú Mỹ)
Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí – Cty Cổ phần hay còn được biết đến với cái tên thân thuộc “Đạm Phú Mỹ” là một thành viên trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, thành lập từ năm 2003, nhưng phải đến 2007 thì DPM mới chuyển thành CTCP và niêm yết trên sàn chứng khoán (sàn HoSE). Lĩnh vực hoạt động của DPM gồm sản xuất kinh doanh phân bón, sản phẩm hoá chất trong ngành nông nghiệp và dầu khí như đạm U-rê, Kali, phân NPK…
Trong năm 2022, DPM ghi nhận doanh thu thuần gần 20,000 tỷ đồng, LNTT đạt 6,400 tỷ đồng, tăng gấp đôi svck năm trước đó. DPM đã nắm bắt cơ hội giá phân bón thế giới tăng cao và đẩy mạnh xuất khẩu U-rê trong năm 2022, cho nên mức xuất khẩu đã tăng 280% so với mục tiêu đã đề ra trong năm, đạt khoảng 190,000 tấn.
Do kết quả kinh doanh thuận lợi trong năm 2022, nên DPM đã quyết định tăng mức cổ tức bằng tiền mặt thêm 70% tương đương 7,000 VND/cổ phiếu. Do vậy, DPM luôn là một trong những cổ phiếu phân bón được nhiều nhà đầu tư ưu ái, nhờ tiềm lực tài chính mạnh từ tập đoàn mẹ, cũng như các chiến lược kinh doanh tối ưu và thông minh.
Biểu đồ giá cổ phiếu phân bón DPM trong 5 năm qua (nguồn: TV)
Trong năm 2022, cổ phiếu phân bón DPM thực sự đã lập đỉnh kỷ lục với mốc giá 72,700 VND/cổ phiếu vào hồi cuối tháng 3, tới năm 2023, mặc dù giá cũng đã giảm, nhưng thực tế là giá đã cao hơn 3 năm về trước rất nhiều.
Quý III/2023, DPM đạt 3,216 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17.2% svck năm ngoái, LNST là 69 tỷ đồng, cũng giảm gần 93% svck năm 2022.
2. Mã DCM của Cty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau)
Tương tự như DPM, DCM cũng trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2011, với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón, sản phẩm chủ đạo của công ty là Đạm U-rê, phân phối cho khu vực miền Nam, từ Đông Nam Bộ đến hết Tây Nam Bộ và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trong năm 2022, DPM đạt doanh thu là 16,412 tỷ đồng, trong đó, doanh thu hợp nhất năm tăng thêm 5,465 tỷ đồng, LNST tăng thêm 3,147 tỷ đồng, mặc dù tình hình tiêu thụ phân bón trong nội địa giảm. Năm 2022, nguồn thu của DCM tăng là nhờ xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, với mức xuất khẩu là 410,400 tấn sản lượng.
Biểu đồ giá cổ phiếu phân bón DCM trong 5 năm qua (nguồn: TV)
Cũng tương tự như DPM, giá cổ phiếu phân bón DCM cũng lập đỉnh vào khoảng tháng 3 năm 2022. Trong năm 2023, giá cổ phiếu DCM biến động mạnh hơn so với cổ phiếu DPM, ta có thể thấy, trong năm 2023, giá cổ phiếu DPM theo chiều giảm, nhưng với cổ phiếu DCM thì chỉ giảm khoảng đến tháng 7/2023, sau đó tiếp tục giữ vững ở mốc giá trị khá cao, tuy nhiên không thể chạm đến mức đỉnh như năm 2022.
Doanh thu thuần quý III/2023 của DCM giảm gần 9%, dừng ở con số 3,010 tỷ đồng dù cho doanh thu tài chính là 200 tỷ đồng. LNST của DCM là 74 tỷ đồng, thụt 90% svck năm 2022.
3. Mã LAS của Cty Cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao
Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao là một thương hiệu quá quen thuộc với người nông dân Việt Nam, đây là một trong những công ty sản xuất phân bón và hóa chất lâu đời nhất của Việt Nam. Năm 1962, LAS khánh thành và trở thành một trong những nhà máy sản xuất phân bón lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.
Năm 2022, LAS đạt 3,156 tỷ đồng doanh thu thuần, vượt 12.7% svck năm 2021. LNST là 112 tỷ đồng, cũng vượt 32% svck năm trước đó. Kết quả này được xem là thành tích hoạt động tốt nhất trong 4 năm trở lại đây của LAS. Trong năm 2022, LAS cũng cho ra mắt sản phẩm mới là lân vi sinh Lâm Thao, dự là cũng sẽ trở thành một trong những sản phẩm được người nông dân ưa chuộng trong tương lai. Năm 2023, LAS ghi nhận doanh thu và LNST đều tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 811 tỷ đồng và 28.7 tỷ đồng, vượt 35% và 200% svck năm 2022.
Biểu đồ giá cổ phiếu phân bón LAS trong 5 năm qua (nguồn: TV)
Nhìn vào biểu đồ ta có thể thấy, giá cổ phiếu LAS chạm đỉnh vào khoảng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 ở mức 26,300 VND/cổ phiếu. Trong năm 2022, giá cổ phiếu LAS biến động mạnh, tăng cao trong quý I và giảm dần cho đến hết năm 2022, thời điểm đầu tháng 11/2022, giá cổ phiếu LAS thậm chí còn 6,600 VND/cổ phiếu. Nhưng trong năm 2023, giá trị cổ phiếu LAS lại tăng trưởng khá tốt, theo một chiều tăng từ đầu năm đến cuối năm, chứng tỏ công ty đã có chiến lược và định hướng tốt cho mình.
4. DDV – Cty Cổ phần DAP – Vinachem
DAP – Vinachem được thành lập từ năm 2008, lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là sản xuất phân bón và hợp chất Ni-tơ, sản xuất các hóa chất cơ bản. DDV là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có sản phẩm phân bón DAP (phân bón phức hợp chứa đạm và lân là chủ yếu). Hiện tại thị phần của DDV chiếm 30% trong ngành phân bón và được tiêu thụ rộng khắp cả nước.
DDV cũng là một cổ phiếu lớn trong nhóm cổ phiếu phân bón. Trong năm 2022, doanh nghiệp DDV đã phá đỉnh lợi nhuận mặc dù tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại. Luỹ kế cả năm 2022, LNST tăng gần 87%, đạt gần 357 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận kỷ lục từ khi lên sàn. Năm 2022, tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền của DDV là 5%.
Biểu đồ giá trị cổ phiếu phân bón DDV qua 5 năm (Nguồn: TV)
Nhìn vào biểu đồ giá trị cổ phiếu DDV ta thấy, giá trị của nó đang giảm rất nhiều trong năm 2023, kể từ khi lập đỉnh vào tháng 7 năm 2021 và lần đỉnh thứ hai vào tháng 3 năm 2022. Hiện tại, giá của DDV đang là 9,800 VND/cổ phiếu, nếu muốn đầu tư thì nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng trong dài hạn. Doanh thu quý
III/2023 của DDV giảm gần 11% svck năm trước, chỉ đạt 822 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng và nhiều chi phí gia tăng khiến lợi nhuận DDV giảm sút. LNST của quý III/2023 của DDV chỉ còn 6.7 tỷ đồng, giảm hơn 88% svck năm 2022.
5. SFG – Cty Cổ phần Phân bón Miền Nam
Năm 2022, SFG ghi nhận doanh thu thuần là 2,009 tỷ đồng, giảm 5% svck năm 2021, LNST đạt 45 tỷ đồng, tăng 23% svck. Công ty đã vượt chỉ tiêu về lợi nhuận và doanh thu đã đề ra, cụ thể là vượt 75% chỉ tiêu LNTT, và 14% chỉ tiêu về doanh thu. SFG cũng trả cho cổ đông với tỷ lệ cổ tức là 4%, tổng số tiền trả sẽ là 19.1 tỷ đồng. Năm 2023, SFG báo lãi lớn trong quý III với LNST tăng gấp 8.3 lần svck, đạt 19 tỷ đồng, lội ngược dòng so với những đối thủ khác.
Biểu đồ giá cổ phiếu phân bón SFG qua 5 năm (Nguồn: TV)
Khác với các đối thủ ở trên, SFG đã từng có một thời kỳ giá lên cao nhưng chưa tạo đỉnh trong năm 2019. Sau đó, tụt dốc rồi tiếp tục lên đỉnh vào khoảng tháng 3/2022. Kể từ sau khi tạo đỉnh đến nay, giá trị cổ phiếu SFG liên tục rớt giá. Những giá trị cổ phiếu SFG trong năm 2023 mặc dù thấp nhưng biến động không quá mạnh, có sự ổn định, cần theo dõi thêm.
Như vậy, trên đây TOPI đã cung cấp cho bạn các thông tin về cổ phiếu phân bón. Trong dài hạn thì ngành phân bón của chúng ta sẽ còn gặp nhiều cạnh tranh từ phía đối thủ Trung Quốc, đồng thời, nếu tình trạng nguyên liệu đầu vào liên tục tăng giá thì cổ phiếu phân bón sẽ còn bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhà đầu tư nên quan sát tình hình thật kỹ lưỡng trước khi quyết định có nên đầu tư vào cổ phiếu phân bón hay không.
Nguồn: Topi