Thẻ thanh toán quốc tế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại, từ thanh toán nhanh tại các cửa hàng, mua sắm trực tuyến, du lịch, bảo hiểm, giáo dục… Cùng TOPI tìm hiểu về các thương hiệu thẻ quốc tế thông dụng hiện nay cũng như ưu nhược điểm của thẻ quốc tế nhé!
Trong kỷ nguyên số hoá, các giao dịch tài chính được đơn giản hoá và tối ưu nhờ sự ra đời và phát triển của các loại thẻ thanh toán quốc tế. Với sự phổ biến của các thương hiệu thẻ quốc tế uy tín như Visa, Mastercard, American Express, JCB… người dùng có thể thoải mái chi tiêu một cách an toàn và được hưởng nhiều tiện ích cũng như các ưu đãi hấp dẫn.
Thẻ quốc tế là gì?
Thẻ quốc tế hay thẻ thanh toán quốc tế là loại thẻ được phát hành bởi ngân hàng trong nước có liên kết với các tổ chức tài chính quốc tế, cho phép người dùng thực hiện các giao dịch mua sắm, thanh toán và rút tiền trên phạm vi toàn cầu.
Sử dụng thẻ quốc tế sẽ mang lại lợi ích như sau:
- Tiện lợi: Dễ dàng thực hiện các giao dịch trực tuyến và ngoại tuyến trên toàn cầu;
- An toàn: Giảm thiểu rủi ro khi mang nhiều tiền mặt đi du lịch hoặc mua sắm;
- Hỗ trợ đa tiền tệ: Có thể thanh toán nhiều loại tiền tệ khác nhau, không cần quy đổi mất thời gian, hệ thống sẽ tự động chuyển đổi theo tỷ giá hiện hành của ngân hàng phát hành thẻ;
- Nhiều ưu đãi và khuyến mãi: Có nhiều chương trình ưu đãi, hoàn tiền, tích điểm, các tiện ích mua sắm, chỗ ngồi sân bay và bảo hiểm du lịch.
Tuy vậy, vẫn có một số nhược điểm nhất định khi sử dụng thẻ quốc tế. Chẳng hạn như:
- Phí chuyển đổi ngoại tệ cao;
- Lãi suất và phí trễ hạn lớn nếu như người dùng không thanh toán đúng hạn.
Phân loại thẻ quốc tế
1. Thẻ ghi nợ quốc tế (tiếng Anh: Debit card)
- Liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng của người dùng;
- Người dùng chỉ có thể chi tiêu trong giới hạn số tiền có trong tài khoản, nghĩa là tài khoản có bao nhiêu tiền thì chỉ được tiêu bấy nhiêu;
- Các giao dịch được trừ trực tiếp từ tài khoản của người dùng.
2. Thẻ tín dụng quốc tế (tiếng Anh: Credit card)
- Cho phép người dùng chi tiêu trước, trả tiền sau;
- Ngân hàng cung cấp một hạn mức tín dụng, người dùng chỉ có thể chi tiêu sử dụng trong hạn mức đó;
- Người dùng phải thanh toán số tiền đã chi tiêu vào cuối kỳ sao kê hoặc theo thời gian đã thoả thuận với ngân hàng.
3. Thẻ trả trước quốc tế (tiếng Anh: Prepaid card)
- Cơ chế hoạt động tương đồng với thẻ ghi nợ, cần nạp tiền trước vào thẻ để sử dụng;
- Không liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng hay hạn mức tín dụng;
- Không cần mở tài khoản ngân hàng để có thể sở hữu loại thẻ này.
5 Thương hiệu thẻ quốc tế hàng đầu
1. Visa
Thẻ Visa được phát hành bởi tổ chức Visa International Service Association của Mỹ. Tên gọi Visa được tổ chức này lựa chọn vì dễ nhớ, dễ nhận diện với ý nghĩa là “thị thực” tượng trưng cho khả năng di chuyển trên toàn cầu.
Từ một thẻ tín dụng nội địa tại Mỹ, Visa đã phát triển thành một mạng lưới thanh toán trên toàn thế giới, hiện diện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 4 loại thẻ chính Visa Debit, Visa Credit, Visa Prepaid và Visa Business.
Visa được chấp nhận tại hàng triệu điểm bán hàng và cây ATM trên toàn thế giới. Các thẻ Visa được trang bị công nghệ chip EMV và tính năng bảo mật Visa Secure để bảo vệ người dùng khỏi gian lận và lạm dụng.Người dùng Visa có thể tận hưởng nhiều tiện ích như dịch vụ khách hàng 24/7, bảo hiểm du lịch, và các chương trình ưu đãi mua sắm, ăn uống và du lịch.
2. MasterCard
Thẻ quốc tế MasterCard được phát hành bởi thương hiệu Master Card, với mạng lưới thanh toán toàn cầu tại hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các loại thẻ chính như Mastercard Debit, Mastercard Credit, Mastercard Prepaid và Mastercard Business.
Thẻ quốc tế Master Card cũng được chấp nhận tại hàng triệu điểm bán hàng và máy ATM trên toàn thế giới. Các thẻ Master Card được trang bị công nghệ chup EMV và tính năng bảo mật Master Card SecureCode bảo vệ người dùng toàn diện. Cũng giống như Visa, thẻ quốc tế Master Card cũng có nhiều tiện ích, ưu đãi về mua sắm, ăn uống, du lịch, hỗ trợ thanh toán dễ dàng và an toàn qua các trang web thương mại điện tử và ứng dụng di động.
3. JCB
JCB – Japan Credit Bureau cũng là một trong những thương hiệu thẻ thanh toán quốc tế hàng đầu, có trụ sở chính tại Nhật Bản, được mở rộng mạng lưới ra toàn cầu từ những năm 1980. Hiện nay, thẻ quốc tế JCB có mặt tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 3 loại thẻ chính: JCB Standard, JCB Gold và JCB Platinium.
Thẻ JCB đặc biệt phổ biến tại Châu Á, cũng được trang bị công nghệ chip EMV, cung cấp cho người dùng nhiều tiện ích về bảo hiểm du lịch, mua sắm, du lịch và ăn uống.
4. American Express
American Express, thường được gọi tắt là Amex, là một trong những thương hiệu thẻ thanh toán và tín dụng quốc tế nổi tiếng và uy tín trên thế giới. Các loại thẻ phổ biến của American Express gồm Amex EveryDay Credit Card, Blue Cash Everyday Card, Amex Platinum Card, Amex Gold Card, Amex Green Card, Amex Gold Card, Amex Platinum Card.
Thẻ quốc tế American Express được chấp nhận thanh toán trên hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
5. UP
UP – một thương hiệu thẻ quốc tế nổi tiếng được phát hành bởi China UnionPay, tổ chức này thành lập vào năm 2002, có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc. Từ một hệ thống thanh toán nội địa, UnionPay đã mở rộng ra toàn cầu và hiện diện tại hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các loại thẻ phổ biến như UnionPay Debit Card, UnionPay Credit Card và UnionPay Prepaid Card.
Giống như JCB, UnionPay rất phổ biến tại châu Á, loại thẻ quốc tế này cũng có mức phí giao dịch quốc tế thấp hơn so với nhiều thương hiệu thẻ khác, đồng thời, hỗ trợ thanh toán bằng mã QR – một phương thức thanh toán phổ thông tại Trung Quốc và nhiều quốc gia Châu Á khác.
Trên đây TOPI đã cung cấp cho bạn một số thông tin về các loại thẻ quốc tế thông dụng trên thế giới. Những loại thẻ này không chỉ là phương tiện thanh toán mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực trong cuộc sống hiện đại, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính toàn cầu một cách nhanh chóng, tiện lợi và an toàn. Việc lựa chọn loại thẻ sẽ phù hợp với nhu cầu từng cá nhân, doanh nghiệp, từ các tiện ích mà chúng mang lại tới những chương trình ưu đãi và dịch vụ cao cấp.
Nguồn: Topi